Chanh không hạt (Citrus latifolia Tanaka) được du nhập vào Việt Nam năm 1994. Cây có tính thích nghi rộng và có thể sinh trưởng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau từ vùng đất đồi núi đến vùng đất giàu phù sa. Xét về mức độ và quy mô tập trung, vùng trồng chanh không hạt tại Long An có thể nói là quy mô nhất và lớn nhất trên cả nước với diện tích tập trung trên 10.000 ha, trong đó Bến Lức chiếm trên 60%.
Sở dĩ cây chanh không hạt đã có mặt và phát triển mạnh mẽ tại Long An là bắt đầu từ câu chuyện ngẫu nhiên, tình cờ của cô nông dân Bùi Thị Ba. Trong một lần nhân chuyến đi thăm người thân ở Bình Dương, bà được biếu cây chanh không hạt, giống cây quen nhưng hết sức lạ (cây chanh, nhưng cho quả không hạt - khác với quả chanh thông thường có nhiều hạt). Sau lần đó, bà tiến hành tìm hiểu kỹ thuật, trồng thử nghiệm tại vườn nhà ở Bến Lức và kết quả thật bất ngờ, ngoài sự mong đợi. Cây tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, sinh trưởng phát triển mạnh mẽ, không sâu bệnh thậm chí sức sinh trưởng của cây hoàn toàn vượt trội so với những cây bố mẹ tại huyện Bắc Tân Uyên - tỉnh Bình Dương. Sau thành công của bà, cây giống và mô hình trồng chanh không hạt ngay lập tức được lan rộng ra các vùng lân cận.
Cây chanh không hạt không những dần trở thành cây trồng thích nghi, làm giàu cho bà con nông dân mà còn là niềm tự hào khi lần lượt đã chinh phục được các thị trường khó tính như Châu Âu, Trung Đông và cả thị trường Châu Á, Bắc Mỹ. Nhờ vào giá trị đóng góp to lớn của cây chanh không hạt đối với cộng đồng sản xuất, ký giả Út Bạch Lan trong tác phẩm “Tản Mạn ký - Quanh quẩn gần xa” đã mượn hình ảnh “Nẻo về Bến Lức nắng rơi/Hoa chanh thơm ngát một trời nhớ thương” trong tuyển tập “Về với Long An” của tác giả Bùi Ngọc Điệp, một người con Bến Lức để khắc họa, ghi nhận sự gắn kết bền chặt giữa con người với đặc sản địa phương Long An.
Năm 2013, chanh không hạt của nông trang Hải Âu, huyện Bến Lức được vinh danh một cách đầy tự hào “Danh hiệu sản phẩm nông nghiệp Quốc Gia tiêu biểu của năm”. Những năm tiếp theo, đại diện chanh không hạt “Bến Lức Long An” tiếp tục được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm Quốc gia tiêu biểu từ năm 2014 đến 2017. Như vậy, có thể thấy rằng chanh không hạt Bến Lức Long An giờ đây không chỉ nổi tiếng trong phạm vi khu vực địa lý tại huyện Bến Lức hay tỉnh Long An mà còn được biết đến một cách rộng rãi từ trong nước đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhờ những giá trị đóng góp tích cực mà cây chanh không hạt đã mang lại cho bà con nông dân và để tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa vai trò của cây chanh không hạt trong sản xuất. Năm 2016, UBND tỉnh Long An đã thông qua Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 04/03/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bến Lức được tỉnh giao thực hiện đề án 2.000 ha chanh không hạt ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020.
Nhận biết rõ vai trò quan trọng của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản, UBND tỉnh Long An đã ra Quyết định 2829/QĐ-UBND ngày 16/08/2019 về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2020 trong đó có nhiệm vụ “Tạo lập chỉ dẫn địa lý “Bến Lức Long An” cho quả chanh không hạt của tỉnh Long An”.