1. Kỹ thuật trồng chanh không hạt Bến Lức Long An

1.1. Thời vụ

Thường trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 - 6 dương lịch.

1.2. Giống

Chanh không hạt ghép trên gốc ghép Chanh Tàu (C. limonia).

1.3. Chọn cây giống

Cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.

1.4. Chuẩn bị đất trồng

a. Đào mương lên liếp 

Đây là yêu cầu quan trọng vì nếu đất thấp, mực thủy cấp cao cây sẽ bị thối rễ. Nếu trồng liếp đơn, cần rộng 4 - 5 m, nếu trồng liếp đôi rộng 6 - 8 m là thích hợp, mương rộng 1,8 - 2 m. Mặt liếp cần cao hơn mực nước trong mương khoảng 0,3 - 0,5 m. Ở vùng đất cao có thể không cần đào mương mà chỉ cần có rãnh thoát nước trong mùa mưa. Trồng chanh trên liếp còn tạo điều kiện làm khô đất trong mùa mưa để xử lý ra hoa nghịch vụ.

 b. Đắp mô

Trước khi trồng khoảng 1 - 2 tháng cần sớm đắp mô đào hố cho đất khô xốp, hố không cần sâu, kích thước khoảng 0,4 x 0,4 m, mô cao 0,3 m, mô trồng phải là đất mặt. Cho vào hố trồng cây hỗn hợp gồm: khoảng 5 kg (tro trấu + phân chuồng hoai mục), 0,5 kg vôi, 1 kg lân, 100 g NPK 16-16-8 và 50g nấm Trichoderma.

c. Khoảng cách trồng

Cây cách cây 4 x 4 m

1.5. Bón phân

a. Phân hữu cơ

Bón phân hữu cơ một năm 02 lần vào đầu và cuối mùa mưa, bón từ 2 - 5kg/gốc/vụ. Có nhiều loại phân hữu cơ như phân chuồng đã ủ hoai (phân bò, phân gà,…).

b. Phân vô cơ

Giai đoạn kiến thiết cơ bản

Giai đoạn cây nhỏ (3 - 6 tháng): pha 40 gram Urea/8 lít nước tưới vào gốc (1 tháng/lần) hoặc 40 gram DAP/10 lít nước tưới vào gốc (1 tháng/lần).

Cây 1 năm tuổi (bón gốc): bón 0,4 - 0,6 kg NPK (16-16-8)/cây/năm hoặc bón 120 - 200 gram Urea, 120 - 240 gram lân, 30 - 60 gram Kali/cây/năm. Nên chia 3 lần bón/năm vào các tháng 3, 5, 10 dương lịch.

Cây 2 năm tuổi: bón 0,4 - 0,8 kg NPK (20-20-15)/cây/năm hoặc bón 330 - 540 gram Urea, 480 - 600 gram lân, 80 - 150 gram Kali/cây/năm.

Đối với cây chanh nhỏ để đủ tàn lá cần pha thêm phân bón lá tưới hoặc phun, giúp cây chanh mau phát triển.

Giai đoạn khai thác

Mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây cần loại phân bón NPK có tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp. Do đó, giai đoạn cây chanh cho quả nên sử dụng phân bón NPK chuyên dùng.

Giai đoạn sau thu hoạch: cần bón NPK chứa nhiều đạm và lân như NPK (18-12-8), NPK (20-20-15), NPK (16-16-8) để cây mau hồi phục, chuẩn bị nuôi đợt chồi mới, bón từ 2 - 4 kg/cây. Bón phân hữu cơ trong giai đoạn này rất cần thiết, bón từ 10 - 20 kg/cây.

Giai đoạn trước khi xử lý ra hoa: nên bón phân NPK có hàm lượng lân và Kali cao như: NPK (8-24-24), NPK (7-17-12), NPK (12-18-15) giúp cây chanh dễ hình thành mầm hoa vì Kali chứa nhiều trong phấn hoa giúp tăng khả năng thụ phấn.

Giai đoạn đậu quả: nên sử dụng phân NPK có hàm lượng đạm và kali cao hơn lân như: NPK (17-10-17), NPK (14-10-17). Liều lượng bón 1 - 2 kg/cây chia 3 lần, trước khi thu hoạch 02 tháng.

Khoảng 2 - 3 tháng cần bổ sung phân hữu cơ với liều lượng từ 5 - 10 kg/gốc/lần để nấm, vi sinh có ích phát triển tốt cho đến khi cây ra tượt mới, phát triển bình thường.

1.6. Tỉa cành tạo tán

Tạo cho cây có bộ khung khỏe mạnh, giúp tiếp nhận ánh sáng tốt, khống chế và duy trì chiều cao của cây trong tầm kiểm soát; tăng diện tích lá hữu hiệu, tạo sự cân đối giữa tán cây và bộ rễ giúp cây sống lâu hơn; duy trì khả năng cho quả ở mức cao nhất, lập nhiều cành mang quả mới thay thế cho những cành già. Tạo tán cây con (xem hình bên dưới).

  • Phương pháp tỉa cành tạo tán:
  • Từ vị trí mắt ghép trở lên khoảng 50 - 60 cm thì bấm bỏ phần ngọn, mục đích để các mầm ngủ và cành bên phát triển (thực hiện sau khi cây ra tượt non đầu tiên).
  • Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1.
  • Sau khi cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50 - 80 cm thì cắt đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2 - 3 cành.
  • Để các cành cấp 2 cách nhau khoảng 15 - 20 cm và tạo với cành cấp 1 một góc 30 - 35 độ. Sau đó cũng tiến hành cắt đọt cành cấp 2 như cách làm ở cành cấp 1. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3.
  • Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 1 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.
  • Cắt tỉa cành đối với cây trưởng thành: Công việc tỉa cành phải được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây: cành đã mang quả (thường ngắn khoảng 10 - 15 cm); cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả; cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả; những cành trên đọt, cắt bỏ những cành này giúp cây thông thoáng hơn, cây nhận ánh sáng nhiều hơn; những cành tiếp xúc với mặt đất, vì những cành này sẽ mang mầm bệnh từ đất lên cây (ghẻ, xì mủ thân,…).

Ngoài ra bà con còn áp dụng thêm kỹ thuật tỉa một góc nhỏ ở vị trí 2/3 chiều cao của tán cây nhằm đón hướng nắng chiếu thẳng vào cây vào lúc 14h - 15h trong ngày.

1.7. Phòng trừ sâu bệnh

Sử dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh gây hại:

  • Sử dụng cây giống sạch bệnh
  • Cắt tỉa tàn, nhánh tạo thông thoáng
  • Thu gom các nhánh, quả bị bệnh để thiêu hủy
  • Không tưới nước lên tán cây bệnh để tránh lây lan rộng

Sử dụng các loại thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

2.  Các yếu tố quan trọng trong kỹ thuật trồng chanh không hạt tại khu vực chỉ dẫn địa lý

Đối với kỹ thuật trồng chanh không hạt tại Long An ngoài việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc thông thường, cộng đồng sản xuất chanh không hạt tại Long An còn áp dụng thêm các kỹ thuật đặc biệt đã được tích lũy từ lâu dựa trên đặc trưng về địa hình, thổ nhưỡng của vùng trồng nhằm giúp gia tăng khả năng thích nghi, phát triển của cây đối với điều kiện thực tế tại địa phương, từ đó hình thành nên những sản phẩm đồng đều về chất lượng đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường.

Các kỹ thuật đặc trưng khác biệt trong kỹ thuật trồng có tác động đến chất lượng sản phẩm như sau:

  • Lên luống/ụ trong quá trình thiết kế vườn trồng;
  • Tỉa cành;
  • Bón phân hữu cơ.

Cơ chế tác động đến chất lượng quả chanh không hạt tại Long An

  • Lên luống/ụ trong quá trình thiết kế vườn trồng:
Thiết kế vườn trồng chanh không hạt tại Long An
Thiết kế vườn trồng chanh không hạt tại Long An
Thiết kế vườn trồng chanh không hạt tại Long An

Công đoạn này được dựa trên cơ sở khoa học của đặc tính sinh lý của cây chanh. Xét về tổ chức và hình thái rễ chanh thuộc loại rễ nấm (Micorhiza). Nấm Micorhiza kí sinh trên lớp biểu bì của rễ hút cung cấp nước, muối khoáng và một lượng nhỏ các chất hữu cơ cho cây. Cũng do đặc điểm này nên rễ chanh không ưa trồng sâu mà phân bố rất nông, phát triển mạnh chủ yếu là rễ bất định, loại rễ này phân bố tương đối rộng và dày đặc ở tầng mặt đất (Diệp Thị Ngọc Thà, 2016). Đối với các vùng trồng chanh không hạt tại Long An, do địa hình tương đối thấp và mực nước ngầm cao, nên việc thiết kế ụ hay luống trồng nhằm đảm bảo cho sự thích nghi của hệ rễ từ đó hạn chế được các nấm bệnh gây hại gây thối rễ làm cây còi cọc, sinh trưởng kém, cho năng suất thấp và chất lượng không đảm bảo và thậm chí gây chết cây. Kỹ thuật này đã được bà con áp dụng từ những năm đặt nền móng đầu tiên cho cây chanh không hạt. Thực tế ngay từ buổi đầu, nhiều hộ trồng đã gặp phải những thất bại nhất định, khi mà cây chanh liên tục có dấu hiệu héo và chết, qua nhiều lần tìm hiểu, nghiên cứu bà con đã rút ra được kinh nghiệm quý báu trong kỹ thuật thiết kế luống trồng. Nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định.

  • Tỉa cành:

Việc tạo hình cắt cành là công việc mang tính chất truyền thống của người trồng chanh không hạt tại Long An. Ý nghĩa của công đoạn này không những làm tăng năng suất mà còn có tác động trực tiếp đến chất lượng quả nhờ cơ chế tập trung dinh dưỡng để nuôi quả.

Mô hình cây chanh được tỉa cành
Mô hình cây chanh được tỉa cành
Mô hình cây chanh được tỉa cành

Công việc tạo hình này khá khác biệt bên cạnh công đoạn cắt tỉa những cành tược, cành sâu bệnh, cành già bà con còn áp dụng thêm kỹ thuật tỉa một góc nhỏ ở vị trí 2/3 chiều cao của tán cây (hình 8) nhằm đón hướng nắng chiếu thẳng vào cây vào lúc 14h - 15h trong ngày. Việc làm này nhằm tận dụng nguồn năng lượng từ ánh sáng mặt trời xuyên sâu vào bên trong tán cây giúp giảm độ ẩm cao từ bên trong tán lá hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây hại nhất là trong mùa mưa như nấm hồng, bệnh loét. Nhờ vậy cây chanh không hạt tại Long An luôn có sức sống cao, khỏe, ít sâu bệnh, và góp phần không nhỏ trong việc gia tăng chất lượng quả.

  • Bón phân hữu cơ

Với kinh nghiệm lâu đời trong sản xuất nông nghiệp cùng với sự hiểu rõ về tính chất đất tại địa phương bà con trồng chanh không hạt tại Long An luôn sử dụng phân hữu cơ như là một biện pháp hữu hiệu không thể tách rời trong sản xuất. Loại phân được sử dụng chủ yếu là phân bò, phân gà và một phần các loại phân hữu cơ vi sinh có mặt trên thị trường hiện nay. Theo kết quả đánh giá khảo sát của Tiến Sỹ Võ Thị Thu Oanh, tại các vùng trồng chanh không hạt Long An ghi nhận hầu hết các hộ nông dân đều sử dụng phân bò/gà với liều lượng từ 2 - 5kg/gốc/vụ và được chia từ 2 - 4 lần bón, tùy theo chân đất của mỗi vườn (Võ Thị Thu Oanh, 2019).

Từ kinh nghiệm thực tế sản xuất cho thấy rằng, bà con trồng chanh không hạt tại Long An sử dụng phân hữu cơ như là việc làm sống còn, kinh nghiệm này được đúc kết không ngừng qua thời gian, do đó cộng đồng trồng chanh không hạt tại Long An thường truyền tai nhau phương châm, bí kiếp trồng chanh không hạt được xem như là kim chỉ nam cho sự thành công tại địa phương, phương pháp này được bà con hiểu một cách đơn giản là: “Trồng chanh không hạt là trồng trên đống phân”.

Theo kết quả đánh giá của các nhà khoa học, chất hữu cơ góp phần cải thiện đặc tính vật lý, hoá học cũng như sinh học đất và cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cây trồng (Whalen, J.K. và C. Chang. 2002). Cụ thể với phân bò, phân gà được đánh giá là một nguồn phân hữu cơ tốt (Seefeldt, S. 2013) chứa nhiều thành phần chất hữu cơ dễ tiêu như N, phốt pho (P2O5) và kali (K2O) và đặc biệt các chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết (canxi (Ca), magie, lưu huỳnh, mangan, đồng, kẽm, clo, bo, sắt và molypden) (Stowell, R.R. W.G. Bickert. 1995). Phân gà cũng chứa những giá trị tương tự, bao gồm các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của cây trồng (Zublena, J.P. và ctv., 1997) [16]. Chúng bao gồm N, P, K, Ca, magie, lưu huỳnh, mangan, đồng, kẽm, clo, bo, sắt và molypden. Phân bò, phân gà được biết là cung cấp một phần dinh dưỡng tốt, bền vững, nếu không muốn nói là tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Phân hữu cơ đã góp phần hạn chế hoá chất bảo vệ thực vật và phân bón hoá học, cải thiện sinh học của đất (Flavel, T.C. và D.V. Murphy. 2006) và tăng cường các đặc tính vật lý của đất, ví dụ, tỷ trọng khối lượng lớn và tăng độ xốp của đất (Eghball, B. 2002), góp phần cải thiện chất lượng nông sản, độ phì nhiêu của đất, đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững trong khi vẫn đảm bảo khả năng duy trì năng suất cây trồng (Whalen, J.K. và C. Chang. 2002; Jarvis, S.C., D. Scholefield và B. Pain. 1995).

Việc cung cấp các nguyên tố vi lượng, các dưỡng chất từ phân hữu cơ (phân bò, phân gà) có ý nghĩa trong việc gia tăng phẩm chất nông sản, và ít sâu bệnh hơn. Bón phân hữu cơ là nguồn thực phẩm cần thiết cho hoạt động của vi sinh vật đất: các quá trình chuyển hoá, tuần hoàn dinh dưỡng trong đất, sự cố định đạm, sự nitrat hoá, sự phân huỷ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng như ức chế sự hoạt động của các loài vi sinh vật gây bất lợi cho cây trồng. Những lý do trên giải thích tại sao chanh không hạt trồng tại Long An thường có phẩm chất quả tốt (vỏ quả màu xanh đậm, nhiều tế bào sừng, quả chắc, tuyến múi dày và giàu thành phần dinh dưỡng) đáp ứng được nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.