VOV.VN - Chanh tươi cũng như nhiều loại nông sản của Việt Nam thời gian qua chật vật tìm đầu ra. Từ khi vùng trồng chanh ở tỉnh Long An ngày càng mở rộng, nông dân cũng thấp thỏm với đầu ra cho trái chanh, nhất là khi thị trường xuất khẩu gặp khó.

Năm nay, đầu ra cây chanh có một số tín hiệu tích cực song để phát triển bền vững, ngành chứng năng cần có những hoạch định chiến lược để doanh nghiệp, nông hộ tự có thể chủ động điều phối, quyết định về giá cả và sản lượng của mình.

Từ giấc mơ thoát nghèo...

Vùng chuyên canh cây chanh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An có khoảng 7.000 ha, chủ yếu là chanh không hạt, tập trung ở các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình. Trong đó, có trên 5.700ha cho trái, năng suất từ 35 đến 40 tấn/ha/năm.

Vài năm nay, cây chanh trở thành một trong các cây trồng chủ lực ở Long An, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Lúc cao điểm, có gần 70% sản lượng chanh tươi của Long An được xuất đi các nước Trung Đông và một số quốc gia khác.

.

Những trái chanh tươi tốt, sản phẩm chanh chế biến chất lượng, an toàn được bán đi nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: NQ)
Những trái chanh tươi tốt, sản phẩm chanh chế biến chất lượng, an toàn được bán đi nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: NQ)

Còn ở mùa tiêu thụ thấp điểm, khoảng tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, do trùng với thời điểm thu hoạch chanh ở nhiều quốc gia, nên chỉ có khoảng 30% sản lượng chanh của Long An được xuất khầu. Phần lớn chanh còn lại, nông dân phải tiêu thụ nội địa với giá rẻ để thu hồi vốn.

Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, tỉnh Long An cho biết, mùa thấp điểm năm nay, chanh tươi thu hoạch tại vườn trung bình có giá từ 20.000-27.000 đồng/kg. Đồng thời, do sản lượng chanh rất lớn nên có lúc nông dân phải chấp nhận bán giá rẻ hơn nữa, thậm chí là lỗ vốn.

Vì vậy, để tiêu thụ hết sản lượng chanh rất lớn như hiện nay và ổn định đầu ra, ổn định giá cả, sắp tới HTX này sẽ xây dựng nhà máy chế biến, phát triển các sản phẩm từ cây chanh.  

Ông Thuận cho biết: "Bước đầu hợp tác xã mới thành lập được mấy năm thôi nên nguồn lực và nguồn vốn đang còn khó khăn. Nhưng về lộ trình thì chúng tôi đã nhìn thấy và đang cố gắng trong thời gian tới phải thực hiện bằng được những kế hoạch này thì thu nhập người nông dân của chúng ta sẽ ổn hơn. Nhất thời điểm mùa vụ giá xuống thấp như hiện nay".

Chanh được chế biến thành các sản phẩm để xuất khẩu. (Ảnh: NQ)
Chanh được chế biến thành các sản phẩm để xuất khẩu. (Ảnh: NQ)

Đến khát vọng nâng tầm giá trị chanh Việt

Cây chanh được trồng chủ yếu ở các vùng đất nhiễm phèn của tỉnh Long An và chứng tỏ sự thích nghi. Vùng đất chua phèn của tỉnh giờ đây đã trở thành những nông trại chanh lớn nhất nhì cả nước. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng thừa nhận, chưa thể nói trước được điều gì về đầu ra cho trái chanh khi mà diện tích trồng vẫn tăng trong khi xuất khẩu vẫn chủ yếu là chanh tươi. 

Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt, bước đầu một số doanh nghiệp tại Long An đã chuyển hướng từ phát triển vùng nguyên liệu, xuất khẩu chanh tươi sang đầu tư công nghệ chế biến sâu.

Những sản phẩm này đã góp phần nâng cao giá trị cây chanh, tận dụng tối đa các phụ phẩm từ chanh để cho ra các sản phẩm đặc trưng địa phương. Đặc biệt đoanh nghiệp tối ưu hóa, khép kín các khâu sản xuất để tiêu thụ hiệu quả sản lượng chanh dư thừa vào mùa thấp điểm.

Cần tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, HTX có chiến lược chế biến sâu các sản phẩm từ chanh. (Ảnh: NQ)
Cần tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, HTX có chiến lược chế biến sâu các sản phẩm từ chanh. (Ảnh: NQ)

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, CEO, Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt, Long An, sản phẩm từ chanh ngày càng đa dạng và được thị trường chấp nhận, như: bột chanh, nước cốt chanh, tinh dầu chanh, các loại trà, nước sốt và nước chấm từ chanh... Nếu doanh nghiệp có sự đầu tư và có hoạch định lâu dài cho chế biến sâu, mở rộng thị trường thì giải quyết rất nhiều vấn đề về đầu ra cho cây chanh.

Ông Hiển chia sẻ: "Mình giải quyết bài toán chế biến sâu thì mới giải quyết được số lượng lớn. Chứ chỉ bán chanh tươi thì doanh nghiệp tự cạnh tranh với nhau rồi cùng chết thôi, đó là cái khó. Bán chanh tươi thì có thị trường Trung Đông, địa phương có HTX Bến Lức vừa ký kết thêm hợp đồng xuất châu Âu".

Toàn tỉnh Long An hiện có trên 11.720 ha chanh, trong đó diện tích cho trái trên 10.000ha, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa, cho sản lượng trên 97.700 tấn/năm. Hiện chanh tươi và các sản phẩm chế biến sâu từ cây chanh của Long An chiếm trên 85% sản lượng cả nước. Phần lớn diện tích chanh được doanh nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, EU, Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia lân cận. 

Nhiều đối tác châu Âu, Trung Đông và Đông Á quan tâm đến sản phẩm chanh Việt. (Ảnh: NQ)
Nhiều đối tác châu Âu, Trung Đông và Đông Á quan tâm đến sản phẩm chanh Việt. (Ảnh: NQ)

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, ngoài việc hỗ trợ xúc tiến thương mại trên môi trường số giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm chanh lên 6 sàn Thương mại điện tử lớn của Việt Nam, thì sản phẩm từ chanh đã được hỗ trợ xây dựng Bộ Thương hiệu trực tuyến, phần mềm truy xuất nguồn gốc. Hiện Sở đang tích cực phát triển thị trường chanh tươi, khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu kết hợp chanh với nhiều sản phẩm khác, tạo giá trị đặc trưng cho nông sản xuất khẩu địa phương.

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết thêm: "Trái chanh của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường ở Dubai và đang có nhiều cái doanh nghiệp kết nối để hỗ trợ ngay từ thị trường bên kia. Hiện cũng có một doanh nghiệp ở Long An cũng bố trí văn phòng, người đại diện ở Trung Đông. Họ đã có người thường xuyên ở bên Dubai luôn để hình thành điểm đầu mối giao dịch. Long An cũng phát huy cái kênh này, ngoài chanh để đưa nhiều loại nông sản khác sang Dubai".

Những năm gần đây, giá chanh ổn định, có khả năng xuất khẩu tốt và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên diện tích chanh ở Long An phát triển nhanh. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn manh mún, tự phát, chưa liên kết trong sản xuất và tiêu thụ... Để cây chanh phát triển bền vững, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích việc tạo chuỗi liên kết, hỗ trợ nguồn vốn cho những doanh nghiệp, HTX có chiến lược đầu tư cho hoạt  động chế biến sâu.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM